Phật
giáo có khái niệm về “một chân lí”, “hai chân lí”, “bốn chân lí”, và nhiều chân
lí.
Một
chân lí là khái niệm về một chân lí duy nhất được xác định trong Kinh tập (Sutta Nipāta) thuộc tiểu bộ kinh Nikaya. Ở đó Đức Phật nói
rằng, “chỉ có một chân lí, không có hai” (ekaṃ hi saccaṃ na dutiyaṃ atthi).[1] Khi
Đức Phật nói về chân lí là một, không hai, thì Ngài muốn nói rằng, chân lí là sự
hợp nhất không chống trái, nghĩa là một tuyên bố không sai, không mâu thuẫn, chặt
chẽ và mạch lạc, phù hợp với thật tại tối thượng mà Đức Phật chứng ngộ. Chân lí
này thường được hiểu là Niết bàn.
Hai
chân lí chính là “nhị đế” mà chúng ta thường gặp khi nhắc đến các học thuyết trong
Đạo Phật. Nhị đế thường được hiểu là “chân đế” và “tục đế”, hay chân lí thế
gian và chân lí xuất thế gian, hoặc là chân lí tương đối và chân lí tuyệt đối.
Tiếng Anh thường đề cập đến là conventional truth và ultimate truth. Tức là
chân lí rốt ráo và chân lí mang tính quy ước. Thật tế, rõ ràng là có hai loại
chân lí này ở thế gian. Tuy chân lí kia được gọi là chân lí xuất thế gian, có
nghĩa là chân lí vượt ra ngoài thế gian này nhưng nó cũng phải và được đặt
trong môi trường thế gian để mà hiểu và ứng dụng. Nếu không tồn tại một chân lí
xuất thế gian đó ở đời thì không thể nào chứng được chân lí đó. Ý nghĩa này thường
được tìm thấy trong luận thuyết của ngài Long Thọ về tánh không rằng: “Nếu
không y tục đế, chân đế không thể nào có thể giác ngộ được. Và nếu không hiểu
được hai chân lí này thì không thể hiểu lời Phật dạy.”[2]
Nói tóm lại, Ngài Long Thọ nói rằng, chính Đức Phật là người giảng dạy hai loại
chân lí này; tất cả giáo pháp của Ngài đều dựa trên hai loại chân lí này.
Bốn
chân lí là Tứ Đế, hay Bốn Thánh Đế rất nổi tiếng trong giáo lí Đạo Phật. Tứ
Thánh Đế này là: (1) Chân lí về khổ (Khổ Đế), (2) Chân lí về nguyên nhân của khổ
(Tập Đế), (3) Chân lí về sự diệt khổ (Diệt Đế), (4) Chân lí về con đường đưa đến
sự diệt khổ (Đạo Đế). Như vậy, Khổ-Tập-Diệt-Đạo là 4 chân lí hiện hữu ở đời. Đạo
Phật nói khổ, nhưng luôn luôn nói về sự chấm dứt của nó. Và để châm dứt khổ, đạo
Phật thường đưa ra con đường để giải thoát khỏi khổ; nhưng trước hết phải hiểu
cho được nguyên nhân của khổ là gì. Đây chính là bốn phạm trù trọng yếu trong đạo
Phật nhằm áp dụng cho việc tu tập.
Còn
nhiều chân lí đó là “chân lí theo 10 cách” được đề cập trong tác phẩm Bồ Tát Địa
(Bodhisattva-bhūmi) của Ngài Vô trước, như nói rằng “chân lí là
một, trong ý nghĩa là không mâu thuẫn”, vì những điều khác thì dường như là chống
trái liền sau đó. Trong đây cũng nói về chân lí có hai là tục đế và chân đế.[3] Tuy nhiên, đây thực chất cũng chỉ là sự phân
chia rộng rãi dựa trên căn bản là những chân lí đã nói trước.
Ngoài
ra còn có nhiều khái niệm chân lí khác nhau được đề cập nữa, như là Tam Pháp ấn,
Tứ Pháp ấn, đều là những điều chân thật rốt ráo ở đời. Một người Phật tử nếu
không hiểu và chấp nhận những sự thật này thì người đó không thể được gọi là một
Phật tử được. Ba Pháp ấn hay Bốn Pháp ấn đó còn được gọi là các dấu ấn Phật
pháp. Chúng là:
Tam Pháp ấn:
Chư hành vô thường (Các pháp hữu vi đều vô thường)
Chư pháp vô ngã (Các pháp không có ngã thể)
Niết bàn tịch
tịnh (Niết bàn là an lạc)
Tứ Pháp ấn:
Vô thường (Nhất thiết hành vô thường)
Khổ (Nhất thiết hành khổ)
Vô ngã (Nhất thiết pháp vô ngã)
Niết bàn (Niết
bàn tịch diệt)
Do
vô minh và tham ái, loài người phải chịu lấy khổ đau trong tam giới. Do vậy Đức
Phật đã đi tìm chân lí để giải thoát giác ngộ và chỉ dạy cho chúng sanh. Nếu
như gốc của khổ là do vô minh thì về mặt nguyên tắc có thể chỉ dạy cho chúng
sanh thấy được chân lí sự thật. Tuy nhiên, vì tham ái đóng một vai trò quan trọng
chi phối cái tâm nhận thức đúng đắn. Chính cái tham ái này chi phối đã khiến
cho tâm con người chấp thủ hay bám víu. Do đó về mặt nguyên tắc là phải loại trừ
cả tham ái và chấp thủ. Có thể nói rằng, nếu như chỉ có vô minh thôi thì rất dễ
để chỉ ra rằng chân lí là như thế, như thế; nhưng do tham ái chi phối, con người
đã không thể nhận ra chân lí để giải thoát khổ đau. Do vậy mà trong Đạo Phật
chúng ta không tìm thấy nhiều các vấn đề mô tả về chân lí hay thực tại mà chủ yếu
là những chỉ dẫn để đi trên con đường đó.
[1] Sự thật chỉ có một,
Không sự thật thứ hai,
Người hiểu biết tranh luận,
Với người có hiểu biết,
Nhưng chân thật họ khen,
Chỉ sự thật của họ,
Do vậy bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời. (Kinh Tập, kệ 884, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)
Không sự thật thứ hai,
Người hiểu biết tranh luận,
Với người có hiểu biết,
Nhưng chân thật họ khen,
Chỉ sự thật của họ,
Do vậy bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời. (Kinh Tập, kệ 884, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)
[2]
Trung Quán Luận, XXIV 8-10.
[3]
Ian Charles Harris, The Continuity of
Mādhyamaka and Yogācāra in
Indian Mahāyāna Buddhism, (Leiden: E.J. Brill, 1991),
87-88.
No comments:
Post a Comment