Wednesday, 23 January 2013

Thăm lại chùa Già Lam



Kể từ khi rời xa chùa Già Lam rồi lên vùng cao nguyên, sau đó ra nước ngoài du học, hôm nay cũng là lúc chương trình học đã hoàn mãn, tôi có dịp trở lại mái chùa xưa. Ngôi chùa mà khi xưa tôi đã tá túc và tu học ở đây hơn 4 năm trong chương trình cử nhân Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam khóa IV tại Tp Hồ chí minh.


Có thể nói chùa Gia Lam là một chốn đẹp và thuận tiện cho việc đi lại và học hành trong mãnh đất sài gòn vốn đông đúc và ngột ngạt này. Ngôi chùa do Hòa thượng Trí Thủ khai sơn vào đầu thập niên 60, sau khoảng thời gian dài hoạt động giáo dục Phật giáo ở miền Trung. Ban đầu chùa được đặt tên là Giải Hạnh Già Lam, sau đó đổi tên thành Tu viện Quảng Hương Già Lam. Già Lam là tên gọi chỉ cho chùa hay cảnh thiền môn; tu viện là nơi cư trú và tu học của những người tu hành; còn Quảng Hương là tên của một học tăng tham gia phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 và tự thiêu. Do tên gọi khá dài nên mọi người thường gọi ngắn là chùa Già Lam, mà kỳ thực già lam là chùa rồi!










Chùa Già Lam có chánh điện khá đơn sơ do vì được giữ vững từ lần trùng tu đầu tiên năm 1981 mãi cho đến ngày nay. Chùa có cảnh trí khá ấn tượng do vì có nhiều cây cối, rộng rãi và thoáng mát. Khung cảnh này thực sự là khá thoáng trong một thành phố chật chội, trong khi không cách xa vùng trung tâm là mấy. 

Tôi vào chùa Già Lam tu học khi khóa học của trường Cao cấp Phật học mới bắt đầu, liền sau đó đổi tên thành Học viện Phật giáo, và rồi rời chùa vào cuối năm, cùng năm sau khi khóa học kết thúc. Tuy nhiên, sau bao năm trở lại, ngôi chùa vẫn y như vậy, nghĩa là không thay đổi về mặt hình thể. Đây là điều làm tôi ngạc nhiên và cảm thấy rất thân thương và gần gũi, vì hầu hết các chùa trong thành phố này đều đã thay hình đổi dạng. Hầu hết các chùa đều đã chuyển động theo xu thế phát triển của đất nước và xã hội, và nhiều chùa hầu như rất khó để có thể nhận ra như trước đây.


Tuy hình ảnh ngôi chùa là thế, điều làm tôi băn khoăn nhất vẫn là hình bóng của đông đảo Chư Tôn Đức thường trụ tại chùa Già Lam lúc bấy giờ, và nay thì không còn đâu nữa. Lẽ dĩ nhiên là tôi hiểu rõ quy luật biến đổi của sự vật hiện tượng, có sinh có diệt, có thăng có trầm, nhưng vẫn bồi hồi khó hiểu làm sao lại biến đổi nhanh vậy. Nhiều Chư Tôn Đức đã mãi mãi ra đi; nhiều Chư Tôn Đức thì đi ra và thi thoảng mới ghé về thăm. Nhiều Chư Tôn Đức đi ra đó không phải là đã nhận được chế độ nào đó của Giáo hội hay là sự thỉnh cầu của các cơ sở tự viện để trụ trì hay làm những công việc Phật sự quan trọng, mà hầu như là Chư Tôn Đức đó phải tự đi tìm cho mình một nơi tạm bợ, chật hẹp với nhiều nỗ lực để mong có được một nơi bình yên hơn, chứ không phải là để phát triển một trú xứ mới xứng với tầm vóc và uy đức của mình. 

Nói thế để thấy rằng, việc gầy dựng một cơ sở tự viện với đông đảo Chư Tôn Đức, Tăng chúng và Phật tử không phải là việc dễ làm, cũng không phải một sớm một chiều là có thể có được, và cũng không phải ai muốn là có thể làm được. Thuận lợi trong việc có được đông đảo Chư Tôn Đức là dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu công việc, cũng như là phát triển một ngôi chùa theo hướng đi lên và mở rộng, và có thể làm được rất nhiều việc; còn không thì cũng chỉ như các ngôi chùa bình thường khác mà thôi, tức là chỉ là hai thời công phu sáng tối, tụng đọc đôi ba kinh điển và đáp ứng các nhu cầu cúng kiếng để mang lại miếng cơm manh áo mà thôi. 

Khi còn ở đây, tôi thấy Chư Tôn Đức này là hình mẫu không thể thiếu của chùa Già Lam. Thật sự, nhờ có Chư Tôn Đức này mà uy danh chùa được mọi người biết đến. Họ là những người mô phạm, lỗi lạc, tinh thông kinh luật, và đều là những nhà nghi lễ giỏi. Hiếm thấy chùa nào có được hay sở hữu được dàng Chư Tôn Đức tầm cỡ như thế. Dĩ nhiên là họ có khả năng đảm nhận các công việc như giảng dạy, dịch giải kinh điển, tổ chức, ứng phó đạo tràng, nghi lễ, hướng dẫn sách tấn đàn hậu học, tư vấn chỉ đạo các bộ phận đi vào nề nếp sinh hoạt và làm việc có hiệu quả vv. Chẳng hạn, khi còn học ở trường Cơ bản Phật học tại chùa Vĩnh Nghiêm, là trường Cơ bản Phật học hàng đầu của cả nước lúc bấy giờ, tôi có học với một vị thầy dạy môn Lịch sử Phật giáo, đó là Hòa thượng Thích Minh Tuệ, khi đó còn là Thượng Tọa. Hòa thượng ở chùa Già Lam, người giản dị, trìu mến, nhưng cũng rất nghiêm khắc. Hòa thượng dạy hay và dễ hiểu nên khiến nhiều người ngưỡng mộ. Với lại, cùng với việc giảng dạy, Hòa thượng còn viết các tác phẩm rất có ảnh hưởng lúc bấy giờ, đó là Phật và Thánh Chúng, Thập Đại Đệ Tử Phật, và Lược sử Phật giáo Việt Nam. Cùng lúc ấy, trong lớp cũng có các học tăng thuộc chùa Già Lam. Các học tăng này do đó cũng được thơm lây. Thực ra, lúc bấy giờ nếu học tăng nào xuất thân từ chùa hay bổn sư nào mà ít tiếng tăm thì sẽ rất bị đì hay bị nhũng nhiễu bởi bộ phận văn phòng điều hành lúc đó. Chùa Già Lam tuy không có vị thế ảnh hưởng gì trong Giáo Hội, cũng không có sự ưu ái của chính quyền, nhưng bù lại là chùa rất có nền nếp quy củ và uy danh trong hành ngũ tri thức Phật giáo, vì thế mà được cả nể trọng, ngưỡng mộ hơn. Sau này chùa còn có thêm Chư Tôn khác cũng đến dạy ở đây. 

Được tu học ở chùa Già Lam là một vinh dự và là niềm tự hào của biết bao nhiêu thế hệ học tăng từ trước tới nay, vì không phải ai cũng có thể dễ dàng xin được tá túc ở đây. Thường thì chỗ ở thì có hạn mà những người xin vào thì rất đông. Họ phải có bổn sư hoặc y chỉ sư đáng nễ mới được giới thiệu vào đây được. Từ một người chưa hiểu biết gì nhiều về thiền môn quy củ, cách ứng xử cho đến các công việc trong chùa như ứng phó đạo tràng, nghi lễ, cho đến cách tổ chức sinh hoạt sắp đặt công việc mỗi khi có lễ thì một học tăng có thể tự tin hơn trong việc học hỏi để sau này cảm thấy vững vàng, hiểu biết hơn trong việc bố trí và sắp đặt công việc, nhất là việc hành lễ, nghi lễ, tổ chức, sự kiện vv. Do đó, việc tu học không chỉ đơn thuần là diễn ra ở môi trường học đường như nhiễu người thường giao phó, mà những sinh hoạt, tổ chức, quy củ trong môi trường mà học tăng đó cư trú cũng vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và tri thức của một học tăng. 

Thực sự chùa Già Lam đã trở thành một “thương hiệu”, nhưng để duy trì và phát triển để trở thành một cái gì đó có nhiều đóng góp hơn cho công cuộc hoằng pháp lợi sanh thì thực sự là chưa có lối ra lớn hơn hay là đã đi vào đường hẻm. 

TVN, Già Lam 14.1.2013

No comments:

Post a Comment