Wednesday, 24 April 2013

Tại sao du học Ấn Độ? - Why study in India?


Từ trước đến nay việc xuất ngoại du học là vấn đề cần thiết đối với người Việt Nam nói chung cũng như đối với Tăng Ni trong Phật giáo nói riêng. Việc xuất ngoại du học là một bước tiến mới của một cá nhân trong lĩnh vực tìm kiếm tri thức, nâng cao trình độ, cũng như tiếp cận môi trường học thuật và công nghệ mới mà chúng ta chưa có, hoặc giả chỉ đơn thuần là nhu cầu tìm học ở một môi trường mới mà thôi!
Bài viết này không phải nhằm mục đích khuyến khích việc du học Ấn Độ, cũng không phải có ý cho rằng việc du học là tốt, mà đơn thuần chỉ là sự chia sẻ và làm sáng tỏ một số vấn đề cần thiết về du học ở đây, cũng như là vấn đề lợi và bất lợi trong việc du học ở đây mà thôi; sau đó sẽ cung cấp thêm thông tin cần thiết cho việc du học Ấn Độ cho những ai có nhu cầu du học hoặc là tìm hiểu về du học ở đây.

Tại sao phải du học?
Đây có lẽ là vấn đề mà ai cũng có thể trả lời được và có thể là khá chính xác. Rõ ràng là do ta không bằng người nên mới phải đi du học. Du học là để tìm kiếm tri thức mới, phương pháp mới, và là cách thức để tiếp cận công nghệ cũng như với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên cần phải thấy cái khía cạnh khác cần được xác định lại đối với những tuyên bố kiểu như “dù sao đi học nước ngoài vẫn hơn”. Hơn ở đây là muốn nói về việc “hơn là học ở trong nước”. Do suy nghĩ đó nhiều người đổ xô đi du học, cũng như đổ tiền vào đó, mà nếu không đem lại kết quả gì nhiều hơn. Vã lại, với suy nghĩ đó, nhiều người tự ti hoặc đánh giá thấp kết quả học tập ở trong nước và tôn sùng kết quả ở nước ngoài. Tư tưởng này đã tạo ra hậu quả không tốt cho cả nhiều người du học ở nước ngoài và đặc biệt là những người học tập ở trong nước. Do đó, điều quan trọng là phải xác định mục tiêu đi du học nước ngoài và kết quả sau khi học tập ở đó. 

Đôi điều về Ấn Độ?
Ấn Độ là đất nước khá phức tạp về mặt tôn giáo, sắc tộc, giai cấp, và ngôn ngữ. Tuy nhiên, Ấn Độ là nước có thể tiếp cận dễ dàng với thế giới bên ngoài, ít nhất là về mặt học thuật do thuận lợi về mặt ngôn ngữ, mà chủ yếu là tiếng Anh. Tuy Phật giáo không chiếm số lượng lớn trong hệ thống tôn giáo ở đây nhưng Phật giáo luôn luôn được coi trọng và giữ gìn trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo Ấn Độ, bởi vì Phật giáo được khai sinh ngay trên chính mãnh đất này, được duy trì cho đến ngày nay, và họ cũng tự hào về điều đó. Thực sự, Phật giáo có những đóng góp to lớn, ít nhất là về mặt tri thức, sự thực hành, và tư tưởng triết lí trong đời sống xã hội Ấn Độ. Do đó, Phật học được duy trì và giảng dạy trong hầu hết các cấp bậc giáo dục. Nhiều trường đại học lớn có khoa Phật học, trung tâm Phật học, hoặc là các khoa về ngôn ngữ như Pali, Sanskrit, Prakrit, v.v. là những ngôn ngữ thuần túy Phật học hoặc là đã được dùng để viết kinh điển Phật giáo trong các thời kì khác nhau của lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Mục tiêu của các chương trình học này là nhằm nghiên cứu, giảng dạy và đạo tạo những nhân tố Phật học, các chuyên gia Phật học, và các nhà Phật học tiêu biểu, đóng góp cho nhu cầu phát triển bền vững của xã hội. Do đó mà các hoạt động về hội nghị hội thảo chuyên đề Phật học, triết học, thực hành Phật giáo luôn được duy trì và diễn ra thường xuyên trên khắp lãnh thổ Ấn Độ và được nhà nước tài trợ hoặc hỗ trợ. 

Lợi và bất lợi khi du học Ấn Độ
Như đã nói ở trên, việc du học nước ngoài có thuận lợi trong việc nâng cao kiến thức, trình độ, kỉ năng, phương pháp và cách tiếp cận với thế giới bên ngoài. Du học ở Ấn Độ cũng có những thuận lợi đó. Tuy nhiên, để có được những khả năng đó, người học trước tiên cần trang bị cho mình những khả năng cần thiết và căn bản để rồi tiếp tục nỗ lực nâng lên tầm cao mới.
Ai cũng biết hầu hết Tăng Ni du học Ấn Độ là bắt đầu ngay vào khóa học MA (Master of Art, Thạc sĩ), và hầu hết là học Phật học. Có thể nói là vì nó phù hợp với người tu sĩ và cũng thuận lợi hơn các ngành học khác. Thực sự khóa học MA ở đây không phải là nhẹ, vì đó là chương trình sau đại học. Tuy nhiên, thuận lợi trong việc được vào học ở đây là không buộc phải dự thi đầu vào. Đa số sinh viên nước ngoài sau khi nộp đơn là được chấp nhận, còn sinh viên Ấn Độ thì bắt buộc phải thi đầu vào. Tuy thế, kể từ năm ngoái (2012), Đại học Delhi (Delhi University) đã hạn chế số lượng vào học của mỗi nước cho mỗi khoa trong mỗi khóa học xuống còn 5 sinh viên; còn năm nay (2013) theo quy định mới thì mọi sinh viên nước ngoài phải có chứng chỉ tiếng Anh hoặc TOEFL hoặc IELTS, hoặc một chứng chỉ tiếng Anh thông thạo (English proficiency certificate); còn nếu không có những chứng chỉ đó thì họ phải tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh rồi mới cấp Admission (giấy nhập học); hoặc là trường sẽ tổ chức cho sinh viên mới vào học ngôn ngữ một năm. Quy định mới này có thể tham khảo trên trang web của trường tại đây: http://www.du.ac.in/index.php?id=146.
Thật tế, nếu như đã có các chứng chỉ tiếng Anh nói trên thì chẳng còn gì để nói, tuy nhiên nếu chưa có các chứng chỉ đó thì cách thức và tiêu chuẩn họ đặt ra để kiểm tra trình độ tiếng Anh của sinh viên trước khi nhập học là một vấn đề hoàn toàn còn ở phía trước. 
Tuy nhiên, có thể nói đây là một quy định mới rất đúng đắn và đáng khen ngợi, và có lợi cho sinh viên vào học. Bởi vì, một sinh viên nước ngoài khi đi du học mà phải vật lộn với vốn tiếng Anh hạn chế của mình là một trở ngại vô cùng to lớn, và tất nhiên là họ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể theo kịp và tiến lên được; còn nếu thiếu nỗ lực thì cũng chỉ là sự cố gắng để thi cử cho đậu và học cho xong khóa học mà thôi. Tuy thế, thời gian nỗ lực học ngoại ngữ là rất lâu dài và phải bền bỉ, trong khi đó kiến thức Phật học thì lại hạn chế, một phần do chỉ để thỏa mãn chương trình theo học và thi cử, một phần là không còn thời gian đâu để mà học và đọc thêm.
Học tập là một quá trình phát triển lâu dài và bền bỉ. Kiến thức do đó phải được thu thập và cập nhật không ngừng. Một khi quá trình đó bị chững lại sẽ tạo ra những khoảng trống và lỗ hổng về kiến thức, do vì các kỉ năng nếu không được duy trì một cách liên tục thì dễ bị quên. Đây là một tiến trình rất tự nhiên. Do đó nếu ngoại ngữ không tốt thì người học sẽ phải bỏ ra rất nhiều thời gian để cải thiện nó, và thời gian còn lại chủ yếu tập trung vào bài vở cho việc thi cử. Việc học như vậy kéo dài trong thời gian dài dễ dẫn đến cái vốn kiến thức tiếng Việt và các kỉ năng khác bị quên đi, không còn nắm chắc nữa. Trong khi mà tiếng Anh và kiến thức mình theo học chưa thông thì kho tàng tiếng Việt lại bị quên thì dẫn đến một hậu quả là tiếng Anh chưa thông mà tiếng Việt đã quên đi. Đây còn gọi là ‘mất cả chỉ lẫn chài’, là điều rất hệ trọng!
Do vậy, nếu cải thiện được khả năng tiếng Anh hoặc là có được một nền tảng ngoại ngữ rồi thì việc theo đuỗi chương trình học mới là rất thú vị. Bên cạnh đó còn có thể học thêm các ngoại ngữ hoặc cổ ngữ khác và đồng thời cũng có khả năng và thời gian để đọc thêm các tài liệu sách vở khác. Việc học như thế sẽ rất thuận lợi; và nếu nỗ lực liên tục thì việc tiếp cận lên tầng cao mới là khá dễ dàng và chỉ là vấn đề thời gian. 
Các thuận lợi khác
Như đã nói ở trên, mục tiêu của các chương trình học này là nhằm duy trì và đào tạo các nhân tố Phật học, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; hơn nữa các nghành học này là nằm trong hệ thống các đại học hàng đầu cho nên phương pháp và nội dung giảng dạy là rất bài bảng và khoa học, do đó người học sẽ tiếp cận được những phương pháp và kỉ năng mới trong nền học thuật tiên tiến. Nội dung và phương pháp này sẽ giúp người học trở thành những nhà nghiên cứu thực thụ.
Hơn thế nữa, khi học tập ở đây, người học có thuận lợi trong việc tham gia vào việc nghiên cứu, viết lách, trình bày hoặc nói chuyện tại các hội nghị hội thảo vv. Điều này giúp cho người học có cơ hội tập sự trong việc nghiên cứu, tiếp cận chuyên đề, trao đổi với các giới nghiên cứu, làm hành trang cho một nhà nghiên cứu thực thụ.
Ngoài ra, tài liệu nghiên cứu và học tập ở đây cũng tương đối đầy đủ và dễ tìm kiếm. Các trường đại học đều có các thư viện lớn, thư viện con, mà ở đó các tài liệu liên quan cũng dễ dàng tìm kiếm được. Các trung tâm văn hóa quốc gia hay thư viện quốc gia cũng cung cấp khá nhiều những tài liệu cần thiết mà không cần phải bỏ tiền mua. Phật giáo Tây Tạng ở đây cũng có cả một hệ thống thư viện với tài liệu sách vở quý được duy tri và cập nhật thường xuyên, một phần vì họ thường xuyên được giúp đỡ bởi các nước, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân ở khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh việc nghiên cứu học tập, người học còn có thể duy trì và phát triển sự tu tập của mình bằng cách tham gia vào các khóa tu, mà ở đó mọi người được học hỏi giáo lí một cách khá vững chắc, và ai cũng biết rằng Phật giáo Ấn Độ có cả một hệ thống tu tập do thiền sư Goenka người Ấn Độ thành lập có mặt khắp nơi trên lãnh thổ Ấn Độ mà ở đó người tham gia tu tập thường được tiếp đón và hướng dẫn rất tận tâm, đặc biệt người tu tập là những Tăng Ni thì thường được đặt biệt tôn kính và gọi bằng Bhikṣu hay Bhikkhu, là Tỳ kheo.
Phật giáo Tây Tạng cũng có một hệ thống tu tập tương tự dành cho tất cả mọi người nói chung không phải là những người tu học chuyên sâu theo truyền thống Tây Tạng. Các khóa tu này thường được nâng lên theo khả năng và kinh nghiệm tu tập. Tuy nhiên, các khóa tu đầu thường chú trọng việc nghiên cứu và học hỏi Phật Pháp cũng như các kĩ thuật tu đơn giản và gọn nhẹ.
Các thánh tích linh thiêng của Phật giáo khắp nơi trên lãnh thổ Ấn Độ cũng là những địa điểm lí tưởng cho những người thực hành việc tu tập của mình. Những thánh tích này không chỉ là nơi dành cho những người hành hương chiêm bái, mà nhiều người tu tập còn trãi qua thời gian khá dài để tu tập ở đây. 
Sau đây là các trường và trung tâm Phật học ở Ấn Độ: 

Các Khoa và Trung Tâm Phật Học tại Ấn Độ
Department of Buddhist Studies, University of Delhi:

Khoa Phật học Đại học Delhi được thành lập kể từ năm 1957. Trường Delhi là trường đại học hàng đầu của Ấn Độ, và khoa Phật học cũng là một khoa Phật học hàng đầu. Hàng năm Khoa đều tổ chức tuyển sinh cho sinh viên Ấn Độ và chiêu sinh đối với sinh viên nước ngoài. Các khóa học ở đây gồm: MA (Thạc sĩ), M.Phil. (Hậu Thạc sĩ), PhD (Tiến sĩ), và Hậu Tiến sĩ (Post Doctorate). Ngoài ra khoa còn cung cấp các chương trình học cấp chứng chỉ Certificate/Diploma cho tiếng Pali và Tây Tạng. 
Department of Buddhist Studies, University of Jammu:

Khoa Phật học Đại học Jammu được thành lập từ năm 1987, và hàng năm đều có tuyển sinh các khóa học từ MA trở lên. 
Department of Pali and Buddhist Studies, Banaras Hindu University:

Trường Banaras Hindu University cũng là một trong những trường đại học hàng đầu của Ấn Độ, và ở đây có khoa Phật học gọi là Pali và Phật học. Các khóa học gồm MA và PhD. 

Department of Buddhist Studies, Maghad University:

Khoa Phật học thuộc trường Đại học Maghad tọa lạc gần thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) cũng cung cấp đủ các khóa về Phật học. 

Somaiya Centre for Buddhist Studies, University of Mumbai:

Trung tâm Phật học Đại học Mumbai (Bombay) cũng là một trong những nơi cung cấp chương trình học và nghiên cứu Phật học. Các khóa học được tổ chức ở đây gồm: MA, PhD về Phật học, và các chứng chỉ Phật học khác. Trang web của Trung tâm ở đây:


Centre for Buddhist Studies, University of Hyderabad:

Được thành lập năm 2009 như là một trung tâm riêng biệt nhằm khẳng định tầm quan trọng của ngành học. Các khóa học gồm: MA, M.Phil., và PhD về Phật học.

Centre for Mahayana Buddhist Studies, Acharya Nagarjuna University:
Trung tâm Phật học Đại Thừa thuộc Đại học Long Thọ miền Nam Ấn này được thành lập vào năm 1982 dựa trên cảm nghĩ của cố giáo sư R. Subrahmanyam, người trực tiếp cuộc khai quật rộng lớn thánh tích Long Thọ Nagarjunakonda vào thập niên 1960. Tuy với với tên gọi là Đại thừa nhưng trung tâm chú trọng giảng dạy cả 2 truyền thống Đại thừa và Nguyên thủy, và các khóa học ở đây gồm: MA, M.Phil và PhD.
School for Buddhist Studies and Civilization, Gautam Buddha University:
Đây là một trường mới trực thuộc Đại Học Phật Cồ Đàm thuộc bang Utta Pradesh, gần thủ đô New Delhi, còn gọi là Trường Phật Học và Văn Minh. Ở đây mới bắt đầu chiêu sinh từ năm ngoái 2012 đến nay với tất cả các khóa học cho MA, Mphil, và PhD. Nơi đây có nhiều Tăng Ni sinh Việt Nam sang học, kể từ khi Đại học Delhi hạn chế số lượng sinh viên của mỗi nước. 
Đại Học Nalanda:
Đại học Nalanda có tên gọi là Nava Nalanda Mahavihara, được coi là tương đương với một trường đại học (Deemed University) tọa lạc gần với tàn tích Đại học Nalanda cổ. Đây cũng là trường Phật học sớm nhất ở Ấn Độ trong thời kì hiện đại và là nơi mà cố Hòa thượng Thích Minh Châu từng du học và tốt nghiệp tại đây. Các khóa chiêu sinh bao gồm từ BA cho đến PhD về Pali và Phật học.
Đại Học Nalanda (mới):
Đại học Nalanda (Nalanda University) được thành lập mới dựa trên nền tảng của Đại học Nalanda cổ nhằm khôi phục danh tiếng của nó. Chương trình giảng dạy sẽ bao gồm Lịch sử, Triết học, Tôn giáo, Quản trị, Sinh thái và Môi trường, và các nghành khoa học khác. Một số ngành học sẽ chính thức được giảng dạy bắt đầu từ năm học 2014, tuy nhiên vẫn chưa biết khi nào Phật học mới được đưa vào giảng dạy tại đây.
Ngoài các Khoa và Trung tâm Phật học của các đại học kể trên, các đại học khác cũng cung cấp, giảng dạy cũng như tiếp nhận các sinh viên thuộc chuyên ngành Phật học đến học các nghành học khác hoặc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở đây. 
TVN.

No comments:

Post a Comment