Wednesday, 17 April 2013

Mừng Ngày Tốt Nghiệp! - the 90th Convocation of Delhi University


Cuối cùng thì ngày ấy cũng đã đến. Đó là ngày tốt nghiệp! Tôi thật sự vui mừng và tự chúc mừng với những gì mình đã đạt được. Mọi thứ đã được đền bù xứng đáng cho những năm tháng khổ cực, lo lắng, chịu đựng và thử thách.
Đây là ngày lễ tốt nghiệp lần thứ 90 của trường đại học Delhi, tức là đúng 90 năm kể từ khi trường được thành lập vào năm 1922, và như vậy trường cũng đã tròn 90 năm tuổi. Cái tuổi không quá dài so với một đại học lớn trên thế giới, nhưng cũng không phải là ngắn so với một đời người. Và như vậy, điều chắc chắn là không còn sinh viên nào của khóa đầu tiên của trường còn sống sót! 
Năm nay lễ tốt nghiệp được diễn ra vào thứ 3, ngày 19 tháng 3, tức là sớm hơn năm ngoái một chút, nhưng lại trễ hơn các năm trước đó. Ngày diễn ra lễ tốt nghiệp của trường đại học Delhi hàng năm thường không ấn định một ngày chính thức nào cả, mà chỉ mãi đến khi gần diễn ra mới có thông báo chính thức. Điều này cũng làm cho nhiều người bối rối trong việc sắp đặt hoặc là mời người thân của mình tham dự. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp đã hoàn thành khóa học từ trước đó khá lâu, và chỉ những ai chậm trễ mới hoàn tất gần với ngày nhận bằng. Do vậy, chỉ những ai hoàn tất sớm mới có tên và bảng tóm tắt về công trình nghiên cứu trong một ấn phẩm giới thiệu những công trình nghiên cứu tiến sĩ hàng năm của trường cũng như những luận án tiến sĩ được trưng bày trong tuần lễ diễn ra lễ nhận bằng.
Do là lần thứ 90 nên lễ tốt nghiệp được diễn ra khá long trọng và có cả Ngài Tổng Thống Ấn Độ tham dự và trao bằng. Tuy nhiên thời giờ chính thức của Tổng Thống chỉ là một giờ đồng hồ vỏn vẹn từ khi chính thức diễn ra lễ cho đến khi chấm dứt. Do đó, ông chỉ phát những tấm bằng tượng trưng cho những sinh viên đậu thủ khoa của các khóa học MA và chỉ một sinh viên tiến sĩ khuyết tật. Tất cả những người nhận bằng tiến sĩ còn lại chỉ được nhận khi buổi lễ kết thúc, với tổng số gần 400 tiến sĩ nhận bằng tốt nghiệp. Như vậy, những tân tiến sĩ năm nay không được trực tiếp nhận bằng từ tay ông Hiệu trưởng. Đây là một điều khá bất ngờ và bực mình, bởi vì trước đó một ngày trong ngày tập dợt, ông đã hứa là tự tay mình trao bằng sau khi rất đông sinh viên phản đối mà không chịu lùi bước trước ý kiến đưa ra của ông, để rồi sau buổi lễ, họ phải chen chúc nhau trong một khu vực đông đúc để nhận lấy tấm bằng của mình. Đây có lẽ là chưa có tiền lệ, vì thông thường ông hiệu trưởng phải là người trao bằng và những sinh viên được chụp một tấm hình kỉ niệm đầy vinh dự.  
Năm nay khoa Phật học của đại học Delhi có 11 người tốt nghiệp tiến sĩ, trong số đó có 2 người Ấn Độ và một người Hàn quốc, còn lại tất cả là 8 người Việt Nam với 5 sư cô và 3 thầy. Thầy Thiện Nghiêm và cô Liễu Pháp là những người học lâu nhất. Họ qua Ấn Độ học kể từ năm 1998. Thầy Trí Minh bắt đầu qua từ năm 2001. Còn lại là cô Liên Trân, cô Huệ Quang, cô Đàm Hảo là những người qua học kể từ năm 2003. Tôi và cô Hạnh Từ là những người qua học sau đó một năm, tức cũng từ năm 2004 đến nay.

Ngày lễ tốt nghiệp có khá đông bạn bè là các Thầy và các Sư Cô đang du học ở đây cũng như người thân từ Việt Nam qua đến tham dự và chúc mừng. Họ mang nhiều hoa tươi, các món quà nhỏ, thiệp chúc mừng để tặng các tân tiến sĩ. Việc các Tăng Ni đến dự và chúc mừng đã đem lại một bầu không khí vui tươi và ấm áp làm món quà tinh thần quý giá mang đến cho những người nhận bằng tốt nghiệp năm nay. Tuy thế, họ phải chờ đợi khá lâu ở bên ngoài để chờ những tân tiến sĩ bước ra, trên tay cầm những tấm bằng tiến sĩ mà họ không biết rằng các tân tiến sĩ đã phải chen lấn xô đẩy để lấy cho được tấm bằng càng sớm càng tốt! Dù sao cũng vô cùng biết ơn những người đã đến chúc mừng và chia vui.  
Như vậy, sau hơn 8 năm du học Ấn Độ, cuối cùng thì cũng đã hoàn tất, để rồi giờ đây việc phải làm là chuẩn bị hành trang trở về lại quê hương sau bao năm xa cách. Không biết rồi đây khi trở lại quê nhà mình có hòa nhập được với cuộc sống vốn đã khác đi rất nhiều so với trước đây, và để rồi có những đóng góp gì cho việc xiển dương Phật Pháp tại quê nhà? 
TVN.


No comments:

Post a Comment