Sunday, 23 September 2012

Kỷ niệm 8 năm ngày du học Ấn Độ



Hôm nay là đúng 8 năm kể từ khi sang Ấn Độ du học. Nhớ lại cái ngày máy bay xuất phát từ Tp Hồ Chí Minh đi Ấn Độ vào buổi sáng 23 tháng 9 năm 2004 và đến New Delhi (Ấn Độ) vào khoảng 2 giờ sáng hôm sau. Thực ra từ Việt Nam sang New Delhi không xa lắm nhưng vì không có chuyến bay trực tiếp từ Việt Nam nên chúng ta thường phải quá cảnh qua các nước khác, rồi phải chờ đợi mới được lên chuyến bay tiếp theo.

Đi máy bay thì thường là nhanh nhưng thông thường phải chờ đợi rất lâu mới được lên chuyến bay khác. Máy bay bay từ Hồ Chí Minh sang Bangkok hơn một tiếng đồng hồ một chút, từ Bangkok đến New Delhi khoảng 4 tiếng nhưng thường thì phải mất hơn 12 giờ đồng hồ mới đến nơi được. Các chuyến bay đến Ấn Độ thường rất đông hành khách và đa số họ là người Ấn nên đồ ăn trên máy bay cũng phải theo phong cách Ấn để chìu hành khách nên rất khó ăn. Nhiều người không thể ăn đồ ăn Ấn Độ được vì mùi vị và cách nấu rất khác. Tôi thì đã sống ở đây đã lâu nên việc ăn uống đồ Ấn Độ là không còn khó khăn nữa, thế nhưng ăn thì chỉ ăn vậy thôi chứ cũng chẳng thích thú gì vì thức ăn cứ như vậy hoài, ít cải biến, tuy nhiên không hiểu sao ăn riết rồi cũng thấy ghiền. Có lần trên chuyến bay trở lại Ấn Độ từ Việt Nam, do về Việt Nam dài ngày, với lại đã đặt sẵn là thức ăn Việt Nam nên khi đến giờ ăn nghe mùi thức ăn Ấn Độ thấy rất nhớ và thèm vô cùng, mà thức ăn Việt Nam lúc đó thì chẳng giống Việt Nam chút nào nên sau khi đến Ấn Độ việc trước tiên là ra quán ăn ăn cho đỡ nhớ cái đã!

Ngày 24 tháng 9 năm 2004 là ngày tôi đặt chân đến Ấn Độ lần đầu tiên và cũng là lần đầu tiên ra nước ngoài và được đi máy bay nên tất cả là một kỷ niệm đẹp. Ấn Độ lúc đó còn rất kém phát triển, từ sân bay cho đến thành phố đều chật hẹp, cũ kĩ và đặt biệt là dơ dáy nhưng tôi đã không ngạc nhiên nhiều vì đã từng nghe vài người nói về tình trạng của Ấn Độ trước khi đến. Thế nhưng sau 8 năm nhìn lại thấy Ấn Độ đã phát triển cực nhanh, từ một nước mà khi lúc đó ai mới đặt chân đến cũng đều thất vọng và muốn quay về nhưng bây giờ thì không còn thấy dấu vết của sự kém đó nữa mà thay vào đó là nét hiện đại, đồ sộ, tô vào nét cổ kính của một đất nước có lịch sử lâu đời và một nền văn minh đáng kính. 

Tôi đến Ấn Độ là để học nhưng khi đến thì khóa học đã bắt đầu từ gần 2 tháng trước, nghĩa là tôi đã trễ học 2 tháng vì còn phải đi làm giấy tờ nhập học. Đại học Delhi là một đại học lớn và hàng đầu của Ấn Độ. Nó có rất nhiều các đại học con còn gọi là các colleges, phân thành hai khu vực nằm cách xa nhau gọi là phía Bắc và phía Nam (North campus and South campus). Trường đại học có một Phân khoa Phật học (Department of Buddhist Studies) trực thuộc Khoa Nghệ thuật (Art Faculty). Tôi học tại Phân khoa Phật học nằm ở phía Bắc đại học nên cũng phải thuê nhà ở tại đó, nằm cách trường không xa và có thể đi bộ đến trường. Năm học thường bắt đầu vào cuối tháng 7, chính xác ngày khai giảng thường bắt đầu vào ngày đầu tuần của sau 20 tháng 7 hàng năm, sau đó các khoa đi vào giảng dạy ngay hoặc trễ hơn chút ít tùy vào tình hình mỗi khoa.

Việc học đối với tôi lúc đó là hoàn toàn mới mẻ. Mới không phải là kiến thức, chương trình học, mà là cái ngôn ngữ để tiếp cận và giao tiếp. Tiếng Anh của tôi lúc đó cũng chỉ vào loại thấp ở Việt Nam, trong khi sang đây, lại theo học một chương trình quá “cao cấp” (hậu Đại học) thì cái ngôn ngữ yêu cầu cũng phải là “siêu” mới đáp ứng được. Lúc đầu tôi cũng chỉ hiểu được rất ít các bài giảng mà thôi và có những người dạy tôi không hiểu gì cả, do đó việc học là phải rất nỗ lực. Ngoài ra còn phải đi học thêm để cải thiện tiếng Anh và điều quan trọng là để hiểu được giọng Ấn và cách nói của họ. Ngày đầu đi học thêm ông thầy giáo đã hỏi tôi là đang theo học cái gì, tôi nói là đang theo học M.A., tức là Thạc sĩ, ông thầy đã thể hiện sự ngạc nhiên một cách kì lạ. Có lẽ ông ta nghĩ rằng làm sao với khả năng tiếng Anh như vậy có thể theo đuổi một chương trình học cao như vậy. Ở Delhi, theo học M.A. được coi là rất cao, nhất là học tại đại học Delhi. Đa số sinh viên Ấn Độ chỉ học tới hoặc hết M.A. rồi đi kiếm việc làm mà thôi.   

Tám năm là một quảng thời gian khá dài của một đời người. Người ta có thể làm nhiều việc hoặc cũng có thể chẳng làm được gì nhiều trong khoảng thời gian đó. Nó tùy thuộc vào những nỗ lực, động cơ và tất nhiên là năng lực của một cá nhân nữa. Trong khoảng thời gian đó tôi đã trãi qua những khóa học như M.A. (Thạc sĩ), M.Phil. (Thạc sĩ triết học), và Ph.D. (Tiến sĩ) chuyên nghành Phật học. Trong hai năm đầu là chương trình Thạc sĩ, hai năm sau là Thạc sĩ triết học và bốn năm cuối là học Tiến sĩ. Nói thì nghe có vẻ liên tục và suông sẻ như thế song tôi phải chờ đợi một năm trời để tiếp tục ghi danh vào học Tiến sĩ. Tức là chỉ trãi qua một năm học Thạc sĩ triết học rồi chờ đợi thêm một năm để lên Tiến sĩ. Lí do là vì trong khi nộp đơn và chờ đợi để được học khóa Tiến sĩ thì Đại học ra một quyết định mới. Quyết định này có phần gắt gao hơn quy định trước đó. Tức là số lượng phải hạn chế, và chất lượng phải được nâng cao, bởi vì họ coi đây là chương trình học cao nhằm đào tạo sinh viên tương xứng với những học vị đó. Dĩ nhiên thì ở đâu và lúc nào người ta cũng đề cao những tiêu chí này hết, và chỉ có như thế mới đảm bảo được chất lượng của chương trình sau đại học. 

Thật ra ở Ấn Độ các trường đại học do nhà nước công nhận đều được giám sát, hỗ trợ hoặc cấp kinh phí bởi một hội đồng đầy quyền lực cấp đại học gọi là UGC (University Grant Commission). Cơ quan trực thuộc chính phủ này có nhiệm vụ xác định, giám sát, cấp kinh phí, và duy trì các tiêu chuẩn giáo dục đại học. Do đó khi cơ quan này ra quyết định đối với các đại học thì họ phải tuân thủ nghiêm ngặt. Khi quyết định mới này được ra đời nó đã trì hoãn việc xét duyệt hồ sơ học Tiến sĩ của tôi. Sự việc này đã khiến cho tôi phải cực nhọc trong một thời gian dài đi kiện cáo vì tôi có lí do khi cho rằng mình nộp hồ sơ đã khá lâu và sắp được chính thức cấp letter thì đại học mới ra quy định mới. Tôi cho rằng quy định này chỉ áp dụng cho trường hợp mới chứ không phải trường hợp của tôi. Cuối cùng sau khi đã gặp và trình bày sự việc với nhiều quan chức lớn của đại học, kể cả hiệu trưởng đại học, trường hợp tôi cùng mấy người bạn cùng lớp đã được giải quyết theo đúng tính cách “dân chủ” của Ấn Độ, chỉ có điều là phải kiên nhẫn chịu khó và chờ đợi. Dù sao đi nữa thì tôi cũng biết ơn những người đã giúp đỡ và tinh thần dân chủ của Ấn Độ, và điều này tôi cũng đã bày tỏ lòng biết ơn trong phần cảm tạ trong luận án tiến sĩ của mình. 

Nói về tính cách rất “patient” mà nguời Ấn Độ đang noi theo, không biết có phải là từ khi Ấn Độ dành độc lập đến nay hay không, vì chuyện kể rằng, vị lãnh tụ của Ấn Độ là Mahatma Gandhi. Ông là nhà lãnh tụ vĩ đại và thỉnh thoảng được gọi là thánh vì những nhân cách phi thường của ông. Khi còn là sinh viên, mỗi khi phải làm những công việc giấy tờ hành chánh là ông ta luôn mang theo trong cặp táp vài cuốn sách và bới theo ít đồ ăn và ông có thể ngồi chờ từ sáng đến tối để được giải quyết. Việc chưa xong thì ngày mai ông lại đi tiếp và cứ tiếp tục chờ như thế cho đến khi nào họ làm xong mới thôi. Phong cách làm việc này vẫn còn rất phổ biến ở Ấn Độ ngày nay. Đây cũng là phương châm mà người dân phải noi theo, bằng không thì có thể là bị cancel vì thiếu kiên nhẫn hoặc là bị bắt phải làm lại từ đầu với lí do là giấy tờ đã thất lạc! Đây cũng là cách thức làm việc của Ấn Độ mà tôi đã từng kinh qua rất nhiều và có thể nói là… đủ mệt mỏi. 

Một ví dụ nhỏ khác để có thể nói lên tính cách “patience” của Ấn Độ. Hôm bửa phải đi đến phòng dịch vụ khách hàng của một công ty điện thoại để được tháo bỏ những dịch vụ mà công ty tự động cài vào máy phải tốn những khoản tiền vô lí. Khi đi vào phòng khách hàng thì nhân viên vẫn đang còn “nấu cháo”…điện thoại. Tôi thì biết khá rõ là nhân viên chỉ nói chuyện riêng tư mà thôi, không phải công việc, vì điều này khá phổ biến ở Ấn Độ. Đợi nóng ruột tôi vội hỏi ngang, chị ta ngẫng đầu lên và nói “chờ chút!”. Chờ hơi lâu tôi lại hỏi ngang lần nữa. Lúc này chị ta nói rằng “get patience!”. Câu này thì quá quen với tôi rồi nhưng không còn cách nào khác là phải ngồi chờ thôi. Thật ra thì patient là tốt và có thể nói đó là đức tính quý báu của con người và xã hội. Patience thường được nói là chìa khóa của thành công (Patience is the key to success). Tuy nhiên, danh từ này đã bị lạm dụng một cách triệt để hầu như trên khắp Ấn Độ.  

Ở Ấn Độ, lời nói không mất tiền mua, là nước tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm, nên hễ có chuyện là người dân đi ra biểu tình, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Mới đây chuyện xảy ra trong trường đại học Delhi mà nguyên nhân là do một số sinh viên phản đối khoa Phật học về việc chấp nhận nhiều sinh viên Việt Nam vào học khóa học M.Phil. Họ đã lôi kéo rất đông sinh viên đi biểu tình phản đối Phòng sinh viên nước ngoài và đại học Delhi. Cảnh sát phải huy động lực lượng, đóng cửa các ngỏ đường đi vào đại học nhằm bảo vệ trật tự và bảo vệ nhóm biểu tình. Cuộc biểu tình kéo dài hơn nữa ngày mới kết thúc. 

Thật ra thì nhóm biểu tình đã không hiểu rõ quyết định của đại học. Tuy đại học quy định là trong một khoa chỉ được nhận tối đa 5 sinh viên nước ngoài cho mỗi nước cho khóa học này và tối đa chỉ có 10 sinh viên nước ngoài được nhận (50%). Do vì khóa học này mới chỉ có 2 sinh viên nước ngoài, 1 là Trung quốc, và 1 là Myanmar nên họ đã cho phép đến 7 sinh viên Việt Nam vào học. Sự việc đã làm cho sinh viên Ấn Độ không hài lòng. 

Lâu nay sinh viên Ấn Độ luôn để ý và “ghét” khoa Phật học vì có nhiều sinh viên nước ngoài vào học, trong khi đó các khoa khác hầu như có rất ít sv nước ngoài. Không chỉ sinh viên phản đối mà cả hàng giáo sư cũng vậy. Họ cho rằng sinh viên nước ngoài đem lại lợi nhuận riêng cho giáo sư và chiếm chỗ (seat) của sinh viên Ấn Độ. Do đó, một khi sinh viên nước ngoài vào học nhiều thì còn lại ít cơ hội cho họ. Hầu hết họ đều cho rằng, việc được học tại đại học Delhi hay các đại lớn học ở Delhi là một vinh dự lớn, vì đây là thủ đô, là cơ hội lớn cho họ kiếm việc làm tốt sau này. Một phần là, được học các chương trình hậu Thạc sĩ hay Tiến sĩ, hầu hết sv Ấn Độ đều được nhận một khoản học bổng khá hấp dẫn mà học phí thì lại rất thấp, do đó mà nhiều khi vì suy nghĩ đó một số sv không đặt nặng việc học tập mà là để kiếm được một khoản tiền trên trời rơi xuống vv.

Chuyện Ấn Độ thì dài dòng lắm. Nhân đây tôi chỉ muốn bày tỏ niềm vui khi đã trãi qua một chặng đường khá dài với nhiều thử thách cũng như đã học hỏi được rất nhiều điều quý báu. Việc học thì có thể nói là suốt cả cuộc đời, vì tri thức của nhân loại là vô cùng vô tận, nhưng việc trãi qua tám năm học tập ở nước ngoài quả là một chặng đường và bước ngoặc đáng nhớ. Tuy chưa chính thức đến ngày tốt nghiệp nhưng chương trình học đã hầu như chấm dứt. Tám năm của một đời sinh viên học ở nước ngoài có thể nói là một cột mốc đánh dấu một chặng đường dài với nhiều niềm vui, nỗi buồn, lo âu, chịu đựng, vv, nhưng may mắn thay vẫn đủ thuận duyên để hoàn tất. Nhân đây tôi vô cùng biết ơn những người đã quan tâm giúp đỡ và tài trợ cho mình. Họ là những người tuyệt vời và có đạo tâm rất lớn. Những nỗ lực của họ là phi thường. Họ là những người rất đắc lực trong việc hỗ trợ cho Tăng Ni du học. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn và đê đầu đảnh lễ quý vị!

TVN, Delhi ngày 23 tháng 9, 2012.

1 comment:

  1. Hay lắm thầy. Đọc bài của thầy xong con cũng thấy đồng cảm, và thấy hiểu nỗi khổ của việc du học phương xa. Nhân tiện đây cho con biết tên của thầy được ko ạ?

    ReplyDelete