Monday, 16 June 2014

Một chuyến đi Lào



Đến Huế vào buổi sáng sau chuyến xe đêm từ Buôn Mê Thuột, đoàn chúng tôi được đại diện công ty du lịch tiếp đón, đổi xe và đưa đi ăn sáng. Sau khi được người hướng dẫn viên giới thiệu đôi nét về cố đô Huế ngay trên xe, đoàn chúng tôi nhanh chóng ghé vào một quán ăn chay trên đường Lê Quý Đôn, thành phố Huế.  
Bữa điểm tâm sáng chỉ với bún Huế mà không được lựa chọn theo sở thích để tiếc kiệm thời gian, chúng tôi nhanh chóng lên đường đi Quảng Trị rồi rẽ sang phía Lào đi về hướng Khe Sanh. Đây là địa danh nổi tiếng với những trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam trước năm 1975, nhưng giờ đây thì vùng đất này phủ đầy cây xanh và suối mát. Con đường ngoằn nghoèo nhưng êm ái đưa chúng tôi nhanh chóng tiến đến cửa khẩu Lao Bảo, nơi nổi tiếng về những hoạt động buôn lậu xuyên biên giới. Tuy nhiên chúng tôi chỉ nhìn thấy một khung cảnh yên ắng ít người qua lại và không thấy những hoạt động buôn bán gì gọi là lậu cả, ngoại trừ các siêu thị vừa và nhỏ bán hàng miễn thuế ở đây. Sau khi dừng chân và ăn trưa tại một nhà hàng cạnh biên giới này, chúng tôi tiếp tục làm thủ tục để vào đất nước Lào.
Đón tiếp đoàn chúng tôi tại cửa khẩu Lào là anh hướng dẫn viên người Lào, có tên là Quang, và là người đã hướng dẫn chúng tôi trong suốt hành trình trên đất Lào và Thái Lan. Anh Quang có cha là người Lào và mẹ là người Việt nên có thể nói rành rẽ hai ngôn ngữ Lào và Việt, kể cả tiếng Thái vì tiếng Lào hơi giống với Thái. Tên đầy đủ của anh là Nguyễn Văn Quang là tên tiếng Việt và Quang Kham là tên tiếng Lào, bởi vì anh là sự kết hợp của hai dòng máu Việt-Lào nhưng sinh ra và lớn lên tại Lào. Ngoài ra anh cũng có cả quốc tịch Việt Nam, thế nên có thể gọi anh là người Lào hay người Việt đều được. Sau khi gặp gỡ và giới thiệu đôi nét về mình, dĩ nhiên là anh ta chào đón theo phong cách và tiếng Lào rồi mới chuyển sang tiếng Việt, chúng tôi tiếp tục tiến vào đất nước Lào. Như vậy, kể từ lúc này, đoàn chúng tôi đã hội đủ quân số, trong số 17 thành viên của đoàn chúng tôi, có 4 thành viên là hướng dẫn và một tài xế có tên là Hạnh, Hậu, Hoàng, và Quang. Thật là một đội ngũ hướng dẫn hùng hậu!   
Khung cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi khi tiến vào đất nước Lào là những căn nhà nhỏ nhắn bình yên rải rác hai bên con đường dài thẳng tắp với toàn cây cối xanh tươi và núi rừng. Không hề thấy những cảnh tượng ồn náo với những tòa nhà casino hay khách sạn như thường thấy tại các cửa khẩu với các nước láng giềng khác. Nói thế không có nghĩa là không có sinh hoạt casino trên đất nước Lào, mà những hoạt động này thường nằm ngay tại các trung tâm thành phố lớn của Lào để thu hút du khách ăn chơi.
Tuy Lào là đất nước còn nghèo nhưng hầu hết các con đường đều khá tốt, thẳng tắp và không phải leo đèo mặc dầu Lào là đất nước thuộc vùng cao. Hầu hết các tuyến quốc lộ chính ở Lào được xây dựng bởi sự giúp đỡ hoặc tài trợ từ các nước. Con đường mà chúng tôi đi bắt đầu từ cửa khẩu Lao Bảo vào sâu trong trung tâm thành phố lớn của Lào có chiều dài là 250km, còn gọi là đường 9 Nam Lào cũng nổi tiếng là ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam, được biết là do phía Nhật Bản xây dựng nhưng sau khi xây xong thì Lào không có tiền để chi trả nên họ cho phép Nhật Bản khai thác gỗ trong 25 năm để trả nợ. 25 năm là một khoảng thời gian khá dài, và chắc chắn là họ khai thác rất nhiều nhưng hiện tại thì Lào vẫn nổi tiếng về gỗ vì đi đến đâu cũng nhìn thấy cây cối và những cánh rừng nguyên sinh, bởi vì Lào là đất nước khá rộng lớn so với số dân chỉ vỏn vẹn 7 triệu người. Người dân thường dễ dàng kiếm một mãnh đất khá rộng để ở và trồng trọt mà không có khó khăn trở ngại nào, miễn là họ chịu ở tại đó chứ không được khoanh lô để chiếm giữ.
Giao thông cũng khá thuận tiện, một phần vì ít xe cộ, một phần vì cũng ít xe máy. Đa số mọi người đều đi xe hơn, mà xe của họ cũng khá xịn vì khá rẻ. Xe ở đây có thể chạy rất nhanh mà ít khi nào nhìn thấy cảnh sát giao thông đi kiểm tra. Bởi vì, mỗi khi nhìn thấy cảnh sát giao thông kiểm tra thì từ xa lái xe đã có thể nhìn thấy cảnh sát. Cảnh sát không núp bên đường, trong lùm cây, hay thậm chí là leo lên cây, mà họ làm rất là bài bản. Dừng xe bên đường, dựng dù, đặt ghế ngồi đàng hoàng. Vậy nên nghe nói họ thường chỉ phạt được người Lào chứ hiếm khi phạt người Việt Nam. Lí do mà cảnh sát ngồi lộ ra ngoài đường như thế là vì họ sợ rắn, vì rắn rất nhiều.
Đất nước Lào có diện tích là 236.800 km², nhưng chỉ với 7 triệu người. Lào có 3 nhóm dân tộc chính là, Lào Lùm chiếm 70% dân số, Lào Súng chiếm 20%, và Lào Thơng 10%. Tuy Lào Thơng chỉ chiếm 10% dân số nhưng họ mới chính là người Lào bản địa, tức là người chủ của đất nước Lào từ lâu đời, còn gọi là người Vân Kiều, vì hai nhóm Lào kia là những người di cư đến Lào sau này. Người Vân Kiều chủ yếu định cư từ Tây Trường sơn thuộc miền Trung đến miền Nam và có những tập tục và ngôn ngữ rất khác so với hai nhóm Lào kia, đặc biệt là trong tập tục cưới hỏi.
Tham quan
Sau khi nghỉ đêm ở khách sạn Mekong, nghe nói là của Quân khu 4 của Việt Nam, tại thị xã Thakhet sát bên dòng sông Mêkông, chúng tôi tiếp tục tiến về thủ đô Viêng-chăn (Vientiane). Tại đây đoàn chúng tôi tham quan các địa điểm như sau:
1. Thạt Luổng (Pha That Luang)
Thạt Luổng là một quần thể kiến trúc rộng gồm chùa Thạt Luổng Nam, Thạt Luổng Bắc, ở giữa là tháp Thạt Luổng, trường Đại học Phật giáo Lào mới và cũ. Đây là trung tâm văn hóa Lào nên phía trước có một quảng trường lớn để tổ chức lễ hội gọi là Lễ hội Thạch Luống hàng năm vào ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch với 7 ngày diễn ra.
Thạt Luổng là một tòa tháp bên trong thờ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do xưa kia 5 vị tăng của Lào sang Ấn Độ du học thỉnh về và dựng một cái tháp nhỏ để tôn thờ vào năm 339 trước công nguyên. Vào năm 1566, tháp này được vua Xaynha Settha (đời thứ 7) cho xây dựng lại lần hai với một tòa tháp lớn bao bọc quanh ngôi tháp nhỏ xưa kia theo lối kiến trúc triệu voi, bên ngoài được dát vàng. Thạt Luổng ngày nay đã trở thành biểu tượng của quốc gia Lào. Triệu voi là tên gọi của quốc gia Lào khi xưa. Đến thời Pháp thuộc mới gọi là Lào. Người Việt gọi là nước Vạn Tượng hay nước Lèo.
2. Khải hoàn môn (Patuxay)
Khải hoàn môn còn gọi là biểu tượng chiến thắng của người Lào để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong chiến tranh chống Pháp. Biểu tượng chiến thắng này được xây dựng từ năm 1958 cho đến năm 1962 mà vẫn chưa hoàn thành. Kinh phí để xây dựng nó là do phía Mỹ cung cấp để xây sân bay nhằm đánh phá Việt Nam nhưng Lào đã dùng kinh phí đó để xây Patuxay làm biểu tượng chiến thắng do đó mà mãi cho đến ngay nay nó vẫn chưa được hoàn thành. Người Lào vẫn giữ nguyên để nhắc nhỡ con cháu của họ là nước Lào còn nghèo nên phải nỗ lực để phát triển. Đây là biểu tượng được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp giữa Ấn Độ giáo và phong cách của người Lào. Nơi đây có một không gian rộng để mọi người có thể vui chơi, chụp hình lưu niệm ngay giữa trung tâm thủ đô Lào.
3. Chùa Sisaket
Đây là Bảo tàng Phật giáo tại thủ đô Viêng Chăn với Tòa Kinh Các nổi tiếng, nơi cất chứa các kinh sách Phật giáo nhưng ngày nay thì Kinh sách đó không còn hoặc là đã chuyển đi nơi khác. Tại đây có 6480 tượng Phật, mà khi xưa có tới cả 100 ngàn tượng. Chùa Sasiket được xây dựng vào năm 1818 để lưu giữ những tượng Phật bị phân tán và hủy hoại do chiến tranh.
4. Ho Phra Kèo
Còn gọi là chùa Phật Ngọc, là nơi từng lưu giữ tượng Phật Ngọc nổi tiếng của quốc gia Lào từ thế kỷ 15, nhưng sau đó tượng này bị người Thái chiếm đoạt trong cuộc đánh chiếm Lào sau đó hơn 200 năm và hiện nay tượng Phật Ngọc được lưu giữ tại chùa Phật Ngọc ở thủ đô Bangkok. Người Lào luôn mong đợi bức tượng được đưa về Lào, thế nên, hiện tại trong chùa vẫn còn duy trì nguyên vẹn cái đế tượng. Thái Lan cũng đã từng ban tặng một tượng Phật ngọc khác cho Lào tuy nhiên họ chỉ đem để vào kho mà không chịu đặt lên đế tượng đó. Ngoài bức tượng Phật Ngọc bị cướp, Ho Phra Kèo còn có nhiều hiện vật quý hiếm khác.
5. Chùa Sỉ Mương (Wat Si Muang)
Chùa Sỉ Mương là chùa chính và cổ nhất ở thủ đô Viêng Chăn nơi có điện thờ cột đá Linga nổi tiếng với niềm tin về việc cầu an, cầu phúc, cầu tình duyên,… Đền thờ này có trước khi Phật giáo du nhập vào Lào và chịu ảnh hưởng của niềm tin Ấn giáo. Chùa Sỉ Mương chia làm 2 gian. Gian trước thờ Phật Thích Ca, thường có vị sư ngồi đó để buộc chỉ vào tay cho người thăm viếng. Gian sau mới là gian chính thờ cột đá Linga và rất nhiều tượng thần và Phật khác nhau.
6. Sala Keoku
Còn gọi là Vườn Phật (Buddha Park) hay Vườn văn hóa Keoku, tiếng Lào gọi là Wat Xiengkuan. Đây là công trình nghệ thuật tượng kết hợp giữa Ấn giáo và Phật giáo do một nhà sư và là một nghệ nhân sau khi đi tu và xây dựng nên cách nay khoảng 60 năm. Có tổng cộng 3 ngôi chùa như thế này. Một cái ở Lào và hai cái ở Thái Lan và đều nằm ven dòng sông Mekong.
Đoàn chúng tôi không được thăm “Vườn Tượng” ở Lào mà chỉ được thăm ở Thái Lan cách biên giới Lào chừng 3km thuộc tỉnh Nongkhai và cách thủ đô Viêng Chăn chừng 25km.
7. Wat Phabat hay Wat Phonsanh (Chùa Dấu Chân Phật)
Trên đường từ Viêng Chăn trở về dọc theo quốc lộ 13 xuôi theo bờ sông Mekong, chúng tôi ghé thăm một thánh tích Phật giáo quan trọng ở Lào đó là Chùa Dấu Chân Phật cách thủ đô Viêng Chăn chừng 80km thuộc tỉnh Borikhamxay. Đây là ngôi chùa được xây dựng từ rất lâu rồi. Tương truyền, khi Vua Rồng muốn thỉnh Phật thọ trai nhưng vì không có chỗ nào khô ráo và trong sạch để Ngài ngồi, Vua Rồng đã vận dụng thần thông để đắp đất đá thành một cái đồi cao rồi thỉnh Phật ngồi. Vì muốn Phật để lại dấu ấn gì đó, nên Phật đã in dấu chân của Ngài trên khối đá này. Hiện nay dấu chân thiêng của Phật được bảo bọc bởi một tòa tháp cao để bảo vệ.
8. Thánh địa Phật giáo Savannakhet
Đây là địa điểm cuối cùng trong chuyến tham quan Lào. Đó là thánh địa Phật giáo Savannakhet với tổ hợp gồm chùa, tháp, tượng, đặc biệt là tháp Ing Hang nổi tiếng trong đó có thờ xá lợi xương sống của Phật chỉ cách thành phố Savannakhet hơn 10km. Tương truyền rằng, khi xưa có một vị sư tu tập thiền định, tựa lưng vào một gốc cây Hang nhập định và viên tịch nên gọi là Ing Hang, nghĩa là “tựa vào cây Hang”. Sau đó, ngôi tháp được xây lên tại đây để tưởng niệm. Về sau, ngôi tháp được xây cao lớn hơn và trên đỉnh tháp có gắn rất nhiều mảnh vàng óng ánh. Vào mùa lễ hội, nơi đây là một trong những địa điểm đông du khách hành hương nhất.

1 comment: