Chúng ta hẵn đã có nhiều phước đức nhân duyên trong quá khứ mới có thể
tin hiểu giáo lý Tịnh độ một cách dễ dàng khi mới đầu nghe qua. Đối với
gốc rễ của các công đức, trí tuệ và niềm tin là hai thứ có liên hệ mật
thiết với nhau. Vì vậy, niềm tin nhờ sự lý giải Kinh điển và niềm tin nhờ sự thành tâm
đều được xem là những bước khởi đầu để đi vào pháp môn Tịnh độ, là nền
giáo lý Phật giáo khó tin khó hiểu.
Trong Kinh Di Đà, Đức Phật Thích Ca đã chọn ngài Xá-lợi-phất làm người
đối thoại, và Đức Phật đã gọi ngài Xá-lợi-phất đến 38 lần để gây sự chú ý
cho thính chúng. Do vì, Xá-lợi-phất là bậc đại trí tuệ trong hàng đệ tử
của Phật, vì vậy, công đức của ngài Xá-lợi-phất, đặc biệt là gốc rễ của
niềm tin hẵn là rất sâu sắc để ngài thể nhập vào giáo lý Tịnh độ.
Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng niềm tin phát triển sâu là nhờ tác
động của các công đức khác. Theo suy nghĩ đó, tin sâu là do trí tuệ sâu
v.v… Thật sự, gốc của niềm tin được nuôi dưỡng trong đó là nhờ sự ‘tiếp
nhận’ các công đức của Phật, qua sự nhớ nghĩ về Đức Phật, hay trì niệm
danh hiệu Phật trong Tịnh độ Phật giáo.
Pháp thân của Phật có 3 đặc điểm
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Phật Thích Ca dạy rằng: “Mỗi Đức Như
Lai đều có Pháp giới thân (Dharmadhatukaya) để Ngài có thể nhập vào tâm
thức của chúng sanh đang nhớ nghĩ về Ngài. Do đó, khi ta đã cảm nhận
được Đức Phật, thì thực sự chính tâm thức của ta có đủ 32 tướng tốt và
80 vẻ đẹp có thể nhìn thấy trong mỗi Đức Phật. Tóm lại, khi tâm ta nhớ
nghĩ về Đức Phật, tâm ta trở thành tâm của Phật. Biển tri kiến sâu rộng
và chân thật của hết thảy chư Phật xuất phát từ nguồn tâm thức của chúng
ta.”
Ngài Thiện Đạo chú giải đoạn kinh này như sau: “Thân Pháp giới được gọi
như thế bởi vì có 3 ý nghĩa: tâm Phật là cùng khắp, thân Phật cũng cùng
khắp, và thân Phật thì không bị chướng ngại.”
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu Thân pháp giới của Phật Di Đà,
Ngài nói rằng: “Đức Phật A Di Đà có 84 ngàn sắc tướng hoàn hảo; mỗi sắc
tướng đều có 84 vẻ đẹp, và mỗi vẻ đẹp đều có 84 ngàn tia sáng. Mỗi tia
sáng chiếu ra đến 10 ngàn thế giới, và ở đó Đức Phật bảo hộ và độ trì mà
không có loại bỏ một ai đang nhớ nghĩ về Ngài.
Ngài Thiện Đạo giải thích đoạn kinh bằng 3 ý nghĩa như sau:
- Tương quan mật thiết. Tâm của Phật Di Đà gần gũi với tất cả những ai xưng tụng danh hiệu của Ngài bởi vì tâm của Ngài là cùng khắp. Khi người hành trì cung kính lễ lạy, xưng tụng và nhớ nghĩ về Ngài, Ngài liền nhìn thấy, nghe thấy và biết đến tức thì.
- Thân cận gần gũi. Thân của Phật Di Đà gần gũi với tất cả những ai niệm danh hiệu của Ngài, bởi vì thân Ngài hiện diện khắp mọi nơi. Khi người hành trì mong muốn được nhìn thấy Ngài, Ngài liền hiện ra trước người đó ngay lập tức.
- Làm nhân tăng trưởng. Chúng sanh khi niệm danh hiệu Ngài liền gột sạch những nghiệp xấu trong nhiều kiếp quá khứ. Khi họ qua đời, Phật A Di Đà cùng nhiều Thánh chúng tự nhiên xuất hiện để tiếp dẫn họ. Điều này không bị cản trở bởi bất kỳ nghiệp xấu nào, hay ngăn cản họ sanh vào thế giới Tịnh độ của Ngài. Vì thế, việc niệm danh hiệu Ngài được gọi là nhân tăng trưởng vì ánh sáng vô lượng của Ngài không bị ngăn che.”
Thân ánh sáng, nguyện lực, và danh hiệu của Phật Di Đà là một thực thể giống nhau
Đức Phật A Di Đà được gọi là “A Di Đà là vì thân Ngài chứa nhóm tất cả
công đức trong Pháp giới.” Điều này có nghĩa rằng tất cả y báo và chánh
báo của Ngài bao gồm cả những công đức trong hàng Ngũ Giới, Thập Thiện
Giới, công đức của hàng Thanh văn, Bích chi Phật, của tất cả các thánh
hiền, của các bậc thánh khắp mười phương, và tất cả chư Phật đều được
chứa nhóm trong Pháp thân của Phật Di Đà. Đó là lí do vì sao Ngài được
gọi là “Phật Di Đà với thân chứa nhóm tất cả công đức trong Pháp giới.”
Niệm danh hiệu Phật có thể phát ra y báo, chánh báo của Phật một cách
tự nhiên, bởi vì danh hiệu của Phật và công đức của Phật đều là những
thực thể luôn thay thế cho nhau và không tách rời nhau. Cũng giống như
khi bật một ngọn đèn lên, căn phòng tự nhiên bừng sáng, mà kết quả khác
không thể có được như thế. Chúng ta chỉ niệm danh hiệu Ngài và tự nhiên
phước báo của Ngài có mặt trong ta. Công đức của Phật tự nhiên trở thành
của ta.
Dù cho ta biết hay không, tin hay không thì việc niệm danh hiệu Phật có
nghĩa là thân ánh sáng của Phật Di Đà sẽ thể nhập vào tâm chúng ta,
mang theo tất cả những công đức trang nghiêm chói sáng. Những công đức
này sẽ nuôi dưỡng công đức của chúng ta và chuyển hóa những chủng tử bất
thiện trong Tàng thức của chúng ta từ một người bình thường trở thành
một bậc thánh, có thể khiến chúng ta được sanh vào trong cảnh giới an
lạc. Do đó, việc niệm danh hiệu Phật sẽ nuôi lớn công đức của chúng ta.
Ngoài ra, trì niệm danh hiệu Phật còn được gọi là sự thực hành nương vào
tha lực của Phật, bởi vì tất cả những công đức phước báo là nhờ vào y
báo chánh báo của Phật, không phải là của bản thân người niệm.
Nguyện lực và danh hiệu của Phật Di Đà cũng là một thực thể, nhưng khác
nhau về mặt biểu hiện. Tin vào Nguyện lực của Phật cũng giống như tin
vào danh hiệu của Ngài. Tin vào danh hiệu nghĩa là tin vào sự thực hành
niệm Phật. Vì thế, danh hiệu, niềm tin và sự niệm Phật đều là một, nhưng
khác nhau về mặt biểu hiện.
Danh hiệu của Phật (thuộc giáo lý) là niềm tin (thuộc lý tưởng), và
niềm tin là trì niệm danh hiệu (thực hành). Vì thế, người thực hành
không cần phải tìm kiếm niềm tin một khi đã thực hành trì niệm danh hiệu
một cách thường xuyên.
TVN.
No comments:
Post a Comment